"Bên trong thân xác bằng một sải tay mang đầy giác cảm này, Như Lai xem đấy cũng chẳng khác gì như toàn thế giới, sự hình thành của thế giới và cả con đường đưa đến sự chấm dứt của thế giới".Lời Phật dạy (Kinh Tăng Nhất A Hàm)




Phật Giáo đưa ra nhiều quan điểm khá khác biệt nhau về cái chết. Nếu đã có nhiều quan điểm khác nhau thì tất nhiên cũng sẽ phải có nhiều phép tu tập khác nhau. Thế nhưng cái chết cũng chỉ là một hiện tượng duy nhất, vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem tại sao Phật Giáo lại có nhiều quan điểm và nhiều phép tu tập như thế.
Bài viết ngắn này không mang tham vọng phân tích sâu xa một chủ đề to lớn trên đây mà chỉ cố gắng tìm hiểu quan điểm của Phật Giáo về chủ đề này, giới hạn trong ba khuynh hướng tu tập dựa vào những nền móng giáo lý gần hơn hết với Đạo Pháp là: Phật Giáo Theravada, Kim Cương Thừa và Thiền Học Zen. 

Cái chết luôn mang lại cho con người một sự lo âu sâu kín và ray rứt nhất, thế nhưng để cái chết có thể xảy ra thì ít ra trước đó cũng phải có sự sống. Sự sống và cái chết cũng chỉ là hai khía cạnh của một hiện tượng, nếu chỉ nhìn vào một khía cạnh thì tất nhiên sẽ khó tránh khỏi một cái nhìn phiến diện hay một sự thiếu sót lớn lao. Vậy trước hết chúng ta cũng nên tìm hiểu và định nghĩa cái chết và cả sự sống là gì - ít nhất là trên phương diện tâm linh - hầu giúp chúng ta dễ theo dõi và phân tích vấn đề hơn.

Định nghĩa về sống chết theo quan điểm Phật Giáo 
Phật Giáo quan niệm cái chết chỉ là một sự chuyển tiếp, một hiện tượng hay biến cố trên dòng tiếp nối liên tục của sự sống. Đối với hành tinh này thì các nhà khoa học cho rằng sự sống bắt đầu hình thành cách nay khoảng từ 3,5 đến 3,8 tỷ năm. Sự sống đó khởi đầu bằng sự kết hợp các thành phần vô cơ để tạo ra các phân tử hữu cơ nhờ vào một số điều kiện môi trường thuận lợi xảy ra trên địa cầu. Sau đó các phân tử này lại kết hợp với nhau và dần dần biến thành các vi sinh vật thật thô sơ. Các vi sinh vật thô sơ này lại kết hợp với nhau để trở thành các vi sinh vật đa bào, dưới dạng thực vật cũng như động vật. Các vi sinh vật đa bào thô sơ theo dòng tiến hóa lại tiếp tục biến thành các sinh vật phức tạp và đa dạng hơn: từ những loài khủng long to lớn cho đến con người rất thông minh và biết suy nghĩ. Trên dòng tiến hóa đó vô số chủng loại đã bị tận diệt cũng như hàng tỉ cá thể đã chết. Ngay đối với riêng loài người trên dòng hình thành đó cũng đã có nhiều chủng loại bị tận diệt. Các nhà sinh học gọi chung dòng tiến hóa đó của sự sống là sự "hình thành sinh học" (biogenesis). Tóm lại sự sống trên bình diện tổng quát, ít nhất là trên hành tinh này, là một sự tiến hóa liên tục và "cái chết" thì mang hai khía cạnh khác nhau: sự biến mất đồng loạt của một chủng loại (chẳng hạn như các loài khủng long) và cái chết của từng cá thể sinh vật (chẳng hạn như cái chết của mỗi người trong chúng ta). Nếu sự tiến hóa và tận diệt của một chủng loại trực tiếp hay gián tiếp tạo ra điều kiện thuận lợi và cần thiết đưa đến sự hình thành của một chủng loại mới, thì nếu căn cứ theo mô hình đó ta cũng có thể nghĩ rằng cái chết của một cá thể hay một sự sống cũng sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi và cần thiết để làm phát sinh ra một sự sống khác.
Những hiểu biết khoa học trên đây rất gần với quan niệm của Phật Giáo về sự sống và cái chết: tất cả chỉ là một sự tiếp nối và chuyển động bất tận. Quan niệm đó khác hẳn với quan niệm của các tôn giáo thần khải khi các tôn giáo này xem mỗi sự sống là "duy nhất" và mỗi cái chết cũng là "duy nhất": cả hai đều tùy thuộc vào ý chí của một Đấng Tối Cao. Phật Giáo trái lại chỉ là một tín ngưỡng phát sinh từ kinh nghiệm của con người, dựa vào kinh nghiệm của một con người là Đức Phật, một con người đã đạt được sự Giác Ngộ (Bodhi) có nghĩa là đã đạt được sự hiểu biết đích thật về sự vận hành của sự sống và cái chết và cả bản chất của thế giới. 

Sống và Chết là một quá trình xoay vần
Phật Giáo xem sự sống và cái chết là một quá trình diễn tiến và xoay vần liên tục. Cái chết không phải là một "thể dạng" đối nghịch lại với sự sống mà đúng hơn chỉ là một quá trình "ngược chiều" với với sự sinh (theo Phật Giáo sự sinh có nghĩa là: hình thành, già nua, bệnh tật và chết). Quá trình "xuôi dòng" của sự sống và "ngược dòng" của cái chết tạo ra một "chu kỳ xoay vần" bất tận. Chúng ta chỉ quan sát được quá trình xuôi dòng của sự sống mà không hình dung ra được quá trình đảo ngược của nó tức là cái chết và những gì xảy ra phía sau cái chết, bởi vì quá trình này sẽ gồm những sự tan biến của những thứ cấu hợp phát sinh từ sự hình thành. Sự tan biến đó sẽ tạo ra các điều kiện cần thiết đưa đến một sự hình thành khác. Nói một cách khác là chúng ta chỉ trông thấy "bằng mắt" một nửa "chu kỳ xoay vần" trên đây mà thôi. Thật ra "xuôi dòng" hay "ngược dòng" thì cũng chỉ là những hình ảnh cụ thể hóa nhằm giúp chúng ta hình dung ra sự luân lưu và biến động liên tục của sự sống và cái chết được dễ dàng hơn thế thôi. Sự sống và cái chết trên bình diện tổng quát cũng chẳng khác gì như các hiện tượng khác, cũng đều thuộc vào sự chuyển động chung của toàn thể vũ trụ.
Động cơ thúc đẩy sự chuyển động trên đây là hậu quả của những tác động gây ra từ quy luật tương liên, tương tác và tương tạo giữa mọi hiện tượng (pratityasamutpada / interdependence / conditioning co-production / lý duyên khởi). Quy luật nguyên-nhân-hậu-quả (karma) là một thành phần nằm bên trong quy luật tương liên này và được hiểu như là một quy luật đặc biệt chi phối trực tiếp quá trình xoay vần của sự sống và cái chết. Không có một sức mạnh nào có thể chận đứng hay làm chuyển hướng được sự vận hành tự nhiên đó. 
Vòng xoay vần liên quan đến sự sống và cái chết của con người cũng sẽ chỉ xảy ra cho con người, thế nhưng không phải vì thế mà cái chết của con người là một biến cố ngoại lệ, khác hơn với cái chết của các sinh vật khác. Cái chết của con người hay của mọi sinh vật cũng đều nằm trong sự vận hành chung của vũ trụ. Do đó cái chết không phải là một bước nhảy xổ vào một hố sâu hay rơi vào một cõi trống không, hoặc bay vào một thế giới khác như sự tưởng tượng của nhiều người.
Tuy nhiên và dù sao đi nữa thì cái chết cũng là một sự tan biến của những gì đã được cấu hợp. Theo Phật giáo thì mầm mống của sự tan biến ấy đã nằm sẵn bên trong sự sinh ngay từ lúc tinh trùng mới bắt đầu phối hợp với noãn cầu, không phải sự tan biến chỉ khởi sự từ lúc tim hết đập và phổi hết thở. Thế nhưng nhiều người lại cứ xem sự tan biến ấy như là một biến cố đột ngột và mang tính cách tiêu cực, vì thế mà cái chết cũng thường được diễn đạt như là một sự chia lìa, một sự sụp đổ của một thể dạng thăng bằng, một sự đứt đoạn nào đó. Cũng có người hình dung cái chết như là một sự bất công và phi lý, hoặc đấy là do ý chí của Trời (volonté de Dieu / God's will) mà con người không hiểu nổi, hoặc có khi cũng cho đấy là một thảm trạng, một định mệnh, một sự bất lực của con người, một sự tàn ác của thiên nhiên, v.v... Các cách diễn đạt này không tránh khỏi mang lại mọi thứ khổ đau. Phật Giáo không hề hình dung cái chết dưới những khía cạnh ấy. 




Quy luật vô thường và cái chết
Như vừa trình bày trên đây, đối với một số người thì cái chết biểu trưng cho một sự "đứt đoạn" và họ xem đấy như là một "biến cố" lớn đưa đến một sự chấm dứt cuối cùng, do đó đã khiến họ sợ hãi. Lý do cũng không phải là quá khó hiểu, đấy chẳng qua là vì họ luôn sống tách rời với hiện thực. Nếu phát huy được sự chú tâm và cảnh giác để sống gần hơn với thực tại và hòa mình với hiện thực thì có thể chúng ta sẽ cảm nhận được hiện tượng "đứt đoạn" ấy cũng chẳng khác gì như rất nhiều những hiện tượng "đứt đoạn" khác thường xuyên xảy ra chung quanh ta. Những biến đổi trên thân xác và những biến động thường xuyên trong tâm thức cũng là những sự "đứt đoạn" thế nhưng ở vào một cấp bậc thấp hơn và tinh tế hơn. Một khi đã trông thấy những sự "đứt đoạn" đó xảy ra liên tục khắp nơi thì chúng cũng sẽ phát huy được một tầm nhìn đúng đắn và chính xác hơn về bản chất của thế giới chung quanh. Phật Giáo gọi bản chất "đứt đoạn" và "không trường tồn" đó là "vô thường" (anitya / impermanence). Nếu bản chất của thế giới là vô thường và cái chết là một sự sụp đổ hay đứt đoạn vậy thì có một hiện tượng nào mang tính cách "trường tồn" và "vĩnh cửu" không?
Nếu chú tâm để quán xét những gì xảy ra trong thế giới và cả bên trong tâm thức của chính mình thì chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận thấy là sự "trường tồn" không hề là một đặc tính của sự hiện hữu, dù thuộc vào lãnh vực vật-chất hay phi-vật-chất. Sự "trường tồn" chỉ là một cảm giác lừa phỉnh liên quan đến những ước vọng bất tận của con người nhằm tìm đủ mọi cách để lẫn trốn khổ đau mang lại từ vô thường.
Thế nhưng tại sao vô thường lại là nguyên nhân mang lại khổ đau? Bởi vì chúng ta không chấp nhận nó, đơn giản chỉ có thế! Chúng ta chối bỏ nó, làm ngơ như không có nó, và cũng không thừa nhận nó như là một sự kiện hiển nhiên của sự hiện hữu. Mặc dù làm ngơ như không trông thấy nó, hoặc còn lâu nó mới xảy đến với mình, tức có nghĩa là xem nó như là một thứ gì từ bên ngoài sẽ xảy đến với mình vào một lúc nào đó, thế nhưng thật ra thì cái chết là bản chất của chính mình, nó thấm sâu trong tạng phủ và tâm thức mình, trong từng tư duy và xúc cảm của chính mình, nó là gia tài của chính mình. Mỗi người trong chúng ta đều thừa hưởng cái gia tài đó từ khi tinh trùng của cha và noãn cầu của mẹ kết hợp với nhau để mang lại sự hình thành của mình.
Tóm lại chấp nhận vô thường là bước tiên khởi của một người tu tập Phật Giáo.

Sự tương liên giữa sự sống và cái chết
Như vừa được trình bày trên đây, cái chết là gia tài tự tại của chính mình. Tại sao lại như thế? Chúng ta và mọi hiện tượng khác trong thế giới - kể cả tư duy và xúc cảm bên trong tâm thức - tất cả đều mang bản chất cấu hợp, không có một ngoại lệ nào cả. Vậy bản chất "cấu hợp" của một hiện tượng là gì? Sự "cấu hợp" là kết quả phát sinh từ sự kết hợp của nhiều thành phần với nhau dưới tác động của quy luật tương liên và quy luật nguyên-nhân-hậu-quả. Tất cả mọi hiện tượng đều sinh ra từ một số nguyên nhân nào đó, và ngay sau đó chúng sẽ lại trở thành các nguyên nhân khác để đưa đến những sự kết hợp khác, làm phát sinh ra các hiện tượng khác.
Cha và mẹ mỗi người là một sự kết hợp nhờ vào vô số nguyên nhân và thành phần. Sự kết hợp giữa họ - tức là sự "quen biết" giữa hai người với nhau - cũng phải cần đến thật nhiều điều kiện và cơ duyên. Sự kết hợp đó đưa đến sự hình thành của ta. Sự hình thành của ta cũng khởi sự bằng một sự cấu hợp giữa tinh trùng và noãn cầu, tinh trùng và noãn cầu lại cũng là những thành phần kết hợp. Sự cấu hợp giữa tinh trùng và noãn cầu tiếp tục phát triển và biến đổi, các cơ quan giác cảm được hình thành, tư duy và xúc cảm phát sinh, "cái tôi" (cái ngã) được tạo dựng..., Đến một lúc nào đó thì các điều kiện chống đỡ sự "cấu hợp" và "phát triển" ấy không còn hội đủ nữa, và khi đó ta cũng sẽ tan biến, từ thân xác cho đến xúc cảm và tư duy, kể cả "cái tôi". Sự tan biến đó gọi là cái chết của ta.
Thế nhưng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm. Trên phương diện vật chất chúng ta lớn lên nhờ không biết bao nhiêu thức ăn do người khác tạo ra, trên phương diện phi-vật-chất tức là tinh thần thì nhờ vào giáo dục và những kinh nghiệm cảm nhận mang lại từ các cơ quan giác cảm. Khi nào các điều kiện tạo ra sự cấu hợp đó vẫn còn hội đủ thì ta "còn sống". Nếu đã gọi là "sống" thì khó tránh khỏi đủ mọi thứ tư duy và xúc cảm phát sinh, đưa đến sự hình thành của "cái tôi". Từ "cái tôi" đó sẽ sinh ra tác ý, tác ý đưa đến hành động và ngôn từ. Tác ý, hành động và ngôn từ sẽ làm phát sinh ra vô số hậu quả, các hậu quả đó sẽ tác động đến tất cả chúng sinh và môi trường chung quanh. Sự kiện đó cho thấy tác động do một "sự sống" tức là một cá thể gây ra vẫn tiếp tục tỏa rộng và trường tồn, tạo ra vô số những điều kiện khác làm phát sinh ra vô số những hiện tượng khác, dù cho "sự sống" đó hay cá thể đó đã tan biến và không còn hiện hữu nữa. Vậy nếu quan niệm cái chết là một sự xóa bỏ, một sự đứt đoạn hay một sự chấm dứt thì nhất định là sai.
Giới hạn trong khuôn khổ của một cá thể thì sự tan rã của một cá thể này sẽ tạo ra nguyên nhân và điều kiện để làm phát sinh ra một cá thể khác, luôn luôn phù hợp với quy luật nguyên-nhân-hậu-quả. Cá thể mới phản ảnh và liên hệ với cá thể cũ, thế nhưng không phải là một sự "lập lại", bởi vì vô số nhưng điều kiện và nguyên nhân mới đã tham gia vào sự hình thành của cá thể mới ấy. Do đó một sự sinh mới không hoàn toàn khác nhưng cũng không phải hoàn toàn giống với sự sinh cũ. Một người tu tập phải luôn hình dung sự tái sinh của mình theo mô hình đó. Kinh sách Pali, tức là kinh sách được xem là ghi chép những lời thuyết giảng của Đức Phật, chỉ nói đến sự "tái sinh" (renaissance / rebirth) nhưng không hề nói đến sự "đầu thai" (reincarnation) còn gọi là hoán sinh hay chuyển sinh (transmigration). 
Tóm lại nếu bước đầu của một người tu tập là phải chấp nhận hiện tượng vô thường, thì bước thứ hai sẽ phải xem cái chết như là một sự mở rộng nhằm tạo điều kiện thuận lợi và cần thiết làm phát sinh ra một sự sinh mới, và sự sinh mới này không phải là một sự lập lại nhưng cũng không phải hoàn toàn khác hẳn với sự sinh cũ trước đó.

Mối liên hệ mật thiết giữa hai sự sinh
Chúng ta vừa thấy sự sinh này làm phát sinh ra một sự sinh khác nhờ vào cái chết làm trung gian. Vậy những mối dây tương tác nào đã tạo ra sự "liên hệ" giữa hai sự sinh? Như đã được trình bày trên đây tất cả mọi hiện tượng trên thế giới đều mang bản chất cấu hợp, có nghĩa là được phát sinh từ một số nguyên nhân và thành phần nào đó, các hiện tượng này lại trở thành nguyên nhân làm phát sinh ra các hiện tượng khác. Đó là một quy luật toàn cầu chi phối sự vận hành của toàn thể thế giới, con người không phải là một ngoại lệ: sự sinh mang bản chất cấu hợp này sẽ làm phát sinh ra một sự sinh mang bản chất cấu hợp khác. Thế nhưng những sự liên hệ giữa hai sự sinh xảy ra như thế nào, bằng cách nào và dựa trên những cơ sở nào?
Mối dây tương tác tạo ra sự liên kết giữa hai sự sinh là "dòng chuyển động không ngưng nghỉ của tri thức". Dòng chuyển động đó mang tính cách phi-vật-chất và gồm những xung năng (impulsions / pulses) thật tinh tế xảy ra tiếp nối nhau, chúng xô đẩy nhau và đồng thời cũng tương tác với nhau, và vào một lúc thích nghi nào đó thì chúng sẽ trở thành các nguyên nhân trực tiếp đưa đến một sự sinh mới. 
Đức Đạt-lai Lạt-ma gọi dòng lưu chuyển của những xung năng đó là "dòng tiếp nối liên tục của tri thức" (continuum of consciousness). Có thể hình dung dòng tiếp nối đó như là một chuỗi dài gồm các đơn vị tri thức (hay xung năng) liên kết và tương tác với nhau. Dòng tiếp nối ấy sẽ mang theo với nó các "chủng tử" của nghiệp. Một cá thể mỗi khi phát lộ một tác ý, thực thi một hành động hay thốt ra một ngôn từ thì tức khắc sẽ gây ra hậu quả hay nghiệp (karma), và nghiệp sẽ lưu lại dấu vết của chúng dưới hình thức các các "vết hằn" in đậm trên từng đơn vị của dòng tri thức của cá thể ấy. Tóm lại mỗi đơn vị tri thức khi hiện ra sẽ tiếp nhận các vết hằn của nghiệp phát sinh từ các hành động xảy ra trùng hợp với thời điểm hiển hiện của nó. Các vết hằn này sẽ tác động với các vết hằn có sẵn trong đơn vị ấy do đơn vị xảy ra trước đó đã chuyển sang cho nó. Sự tương tác giữa các vết hằn cũ có sẵn và các vết hằn mà nó vừa tiếp nhận được sẽ tạo ra những vết hằn mới. Các vết hằn mới này lại sẽ được chuyển sang cho đơn vị tri thức hiện ra tiếp theo đó, và cứ tiếp tục như thế... Sự tương tác giữa nghiệp cũ và mới trên cùng một đơn vị cho thấy rằng nghiệp do những hành động thực thi từ trước có thể biến đổi khác đi. Do đó các xung năng của nghiệp ghi khắc trên các đơn vị tri thức dưới dạng các vết hằn cũng có thể sẽ trở nên nặng nề hơn, hoặc nhẹ bớt đi, hoặc cũng có thể bị chận đứng khiến chúng sẽ "ngủ yên" trong một thời gian dài hay ngắn. Chẳng hạn các nghiệp thật xấu cũng có thể sẽ "ngủ yên" hoặc chuyển hướng, hay hoàn toàn được hoá giải bởi các hành động đạo hạnh, sự tu tập kiên trì, hoặc cũng có thể nhờ vào kết quả mang lại từ các phép thiền định.
Trong cuộc sống thường nhật dòng tri thức của một cá thể liên tục ghi nhận hậu quả do hành động của cá thể ấy tạo ra. Mỗi đơn vị sau khi tiếp nhận các vết hằn vừa được tạo ra sẽ "nhào nặn" chúng cùng với các vết hằn cũ mà nó đã tiếp nhận được từ trước để tạo ra một "tổng hợp" các vết hằn mới mang các "xung năng" mới. Dù cho cái chết có xảy ra với cá thể ấy thì dòng tri thức tinh tế này vẫn tiếp tục lưu chuyển và không bao giờ bị gián đoạn. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các khả năng thuộc thân xác, giác cảm và tâm thức sẽ tan biến hết và do đó sẽ không trực tiếp tạo ra thêm các vết hằn mới trên dòng tri thức, thế nhưng các đơn vị của dòng tri thức ấy vẫn tiếp tục tiếp nhận ảnh hưởng mang lại từ những tác động thật tinh tế tạo ra bởi các bối cảnh và môi trường phi-vật-chất chung quanh trong khi quá trình của cái chết đang diễn tiến. Sự kiện này cho thấy sự "hồi hướng", các "nghi lễ" hay một bối cảnh thiêng liêng nào đó hiện ra cũng có thể mang lại một số tác động lợi ích có thể biến cải được các dấu vết có sẵn trên dòng tri thức của một cá thể trong giai đoạn đang xảy ra sự tan biến của quá trình cái chết. Dù sao đi nữa thì nghiệp đã được ghi khắc và tồn lưu trên dòng tri thức cũng sẽ tương tác với bối cảnh mới trong một môi trường mới như là các cơ duyên làm phát sinh ra một sự sinh mới. 
Tóm lại, bước thứ ba của người tu tập là phải ý thức được tác động của nghiệp và quá trình vận hành của nó trên dòng tri thức của mình hầu giúp mình biết giữ gìn thế nào cho dòng tri thức ấy được tinh khiết nhằm mang lại cho mình niềm an vui trong kiếp sống hiện tại và tạo ra những nguyên nhân thuận lợi cho kiếp sống tương lai.

0 comments:

Post a Comment