Trong cuộc sống bộn bề lo toan, chợt một lúc nào đó ta nhớ tới cha mẹ dù người đã khuất, ấy là lúc lòng ta ngập tràn tình yêu thương trìu mến và ước muốn làm được điều gì đó để đền đáp...
Thuở trước, thế hệ ông bà và bố mẹ tôi, người ta thường chỉ tổ chức các bữa giỗ chạp, tức là nhắc nhau nhớ đến ngày mất của một con người. Không khí các buổi gặp gỡ thường nghiêm trang để thể hiện lòng buồn nhớ đến người đã khuất.
Tới thế hệ mình, chúng tôi đã bị ảnh hưởng một chút của văn hóa phương Tây và thường tưng bừng tổ chức các buổi sinh nhật. Tức là nhắc nhau nhớ đến ngày ra đời của một con người với một tâm trạng phấn khích, vui mừng... để đánh dấu thêm một mốc mới về tuổi đời và nhận những lời chúc tụng về một tương lai tươi đẹp.
Thuở học trò, tôi từng rất vui mừng mỗi khi sinh nhật tới. Nhận hoa và những lời chúc tốt lành từ bạn bè, anh chị em, tôi xúc động vì ý nghĩa tốt đẹp của ngày sinh nhật và những mong bản thân ngày một trưởng thành hơn.
Năm tháng trôi qua, tôi lấy chồng, sinh con và sau cái đêm trở dạ sinh đứa trẻ đầu lòng, tôi bỗng thấy ngày sinh nhật mang một ý nghĩa khác hẳn. Giờ đây, mỗi ngày sinh nhật đến, tôi thường nhớ tới mẹ và thắt ruột nghĩ đến mẹ trong ngày sinh ra tôi. Ngày ấy, ở một nơi rét buốt và vô cùng heo hút, tôi đã ra đời như thế nào? Tôi có bướng bỉnh hành hạ mẹ bởi các cơn trở dạ đau đến nghẹt thở? Ai ở bên mẹ tôi vào lúc ấy? Mẹ tôi có được bồi dưỡng, dù chỉ là một gói xôi nóng? Ngày xưa, người ta sinh đẻ đâu có như bây giờ!
Và kể từ khi đó, tôi tổ chức sinh nhật theo cái cách của mình. Lúc mẹ tôi còn sống, ngày sinh nhật tôi, tôi mang quà tới thăm mẹ, ôm lấy mẹ mà hít hà cái mùi mồ hôi ở lưng áo mẹ. Bây giờ, khi mẹ tôi đã mất, mỗi lần sinh nhật tới, tôi thắp hương và ngồi lặng lẽ với mẹ hồi lâu, cố hình dung lại cái đêm đông đầy gió lạnh ở miền rừng núi xa xăm, nơi mẹ tôi đã trao cho tôi cuộc sống.
Và tôi lại thầm thì: "Con cám ơn mẹ".
0 comments:
Post a Comment