Thế thường người đời hay than trách : Con người sao quá tệ ác xấu xa ! Khi đã thấy người xấu là mình đã ngầm nhận mình tốt rồi. Nếu mọi người xung quanh đều là xấu, đều là hèn hạ, đều đáng ghét, mình quá tốt, thì không còn lòng dạ nàomuốn thân thiện sống chung với ai cả. Như vậy thì ở thế gian này mình như một kẻ lạc loài.Vì mình quá tốt mà người đời thì quá xấu không giao hảo được. Khi thấy mình lạc loài giữa đám rừng người thì sanh tâm chán đời. Ngược lại, nếu  thấy mọi người ai cũng tốt, ai cũng giỏi, ai cũng hơn mình, thì lúc đó mình thấy cần nhập cuộc với họ, để được hay được tốt, được tiến bộ, lúc đó tâm yêu đời phát khởi. Quan niệm yêu đời hay chán đời gốc từ chổ thấy người tốt hay thấy người xấu mà ra. Thoạt nghe qua thấy hơi thế gian, nhưng đó là tinh thần tích cực của người tu Phật chân chính và tinh thần tiêu cực của người mới học đạo.

Vậy chúng ta nên nhìn đời bằng cách nào để không buồn chán, để không muốn tự tử, để vui sống ?

Đa số chúng ta với cặp mắt quen nhìn ra ngoài, ít nhớ ngó lại mình; nó có đặc điểm là thấy bên ngoài mà không thấy mình. Bởi vậy, lúc nào cũng thấy người này có khuyết điểm này, người kia có khuyết điểm kia, mình nhìn ai, ai cũng có khuyết đểm cả, còn mình thì không thấy lỗi nên nghĩ mình tốt. Người khác cũng vậy, họ cũng thấy mình xấu luôn, chỉ một mình họ tốt. Mọi người sống đều hướng ra ngoài, khi thấy thì thấy cái khuyết nhiều hơn cài ưu và cái xấu của người mình nhớ mãi, cái tốt của người mình lại mau quên. Ngược lại, cái xấu của mình thì mình mau quên, cái  tốt  thì  nhớ mãi. Cho nên giúp ai việc  gì mình nhớ hoài, còn ai giúp mình thì không nhớ. Do đó mà sinh ra cái bệnh kể công và quên ơn người. Cái ơn lớn nhất là ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà cũng muốn quên nữa. Hằng ngày chúng ta không nghĩ đến chuyện hiếu thảo với cha mẹ, mà cứ dạy con phải có hiếu với mình. Đó là do mình nhớ mình ban ơn cho nó, còn cha mẹ ban ơn cho mình thì mình lại quên. Đây là chuyện thực tế mà bất công, dưòng như ai cũng dự chút phần trong đó. Đa số chúng ta vì quên cái tốt và nhớ cái xấu của người, nên thấy ai cũng xấu cả, ai cũng thua mình , nên sanh tâm chán nản. Ngưọc lại, chúng ta luôn nhớ cái xấu và quên cái tốt của mình thì lúc nào cũng thấy có người hơn mình để học hỏi. Có nhiều người nói chuyện đáng thương lắm, họ nói rằng : Ở đời chẳng ai thông cảm tôi cả. Trong nhà thì cha mẹ anh chị em không hiểu  được tôi, ra ngoài xã hội cũng chẳng thông cảm tôi. Tại sao mọi người không thông cảm mình ? Tại mình quá hay, hay tại mình quá dở ? Nhìn kỹ lại coi ? Tại mình chấp ngã to quá, mở miệng ra thì đề cao mình  lên, hạ người  xuống, mình cao quá ai mà thông cảm mình nổi !  Người mà hay  than  như vậy là do họ thấy  họ  hay,  không  thấy  họ dở, thấy không ai hiểu nổi mình, nên cảm thấy bị cô độc. Mà cô độc thì sinh ra chán đời rồi muốn chưởi đời. Những người mà hay chưởi đời là cái bệnh  đó. Lỗi tại đâu mà mình bị cô độc như vậy ?  Chúng ta xét thật kỹ mới thấy lời Phật Tổ dạy hay đáo để, vì chúng ta không nghiền ngẫm nên quên đi. Bởi vì mọi người ai cũng nghĩ mình là người tốt là người cao thượng, chung quanh mình ai cũng xấu; hoặc xấu nhiều hoặc xấu ít. Do thấy như vậy mà bi quan yếm thế. Tôi ví dụ cho dễ hiểu. Có người tới chùa cho mít giống, họ giới thiệu giống mít này rất ngon, quí hơn tất cả loại mít ở đây. Tri Viên chùa nhận biết giống mít đó quí nên khi ương trồng, chăm sóc rất chu đáo. Ngược lại nếu người cho  mít giống giới thiệu giống mít đó dở. Tri Viên dù có ương trồng rồi cũng bỏ đó. Tại sao Tri Viên trồng giống mít ngon chăm sóc chu đáo mà lại bỏ quên giống mít dở ? Vì Tri Viên thấy mít ngon là quí trồng được trái thì được nhiều người ưa thích, còn mít dở dù có được trái chẳng mấy ai ưa chuộng. Con  ngưòi cũng vậy, nếu  thấy  ai hay, tốt thường làm lợi ích cho đời thì mình quí trọng,  còn ai là người dở xấu thì mình khinh họ. Bởi vì mình  thấy  những  người này  không làm nên trò trống gì, chỉ có ta thôi, nênthấy họ không có ý nghĩa gì đối với mình cả. Vì vậy mà sanh ra chán không muốn lo không muốn làm gì cho ai cả, nên sống trong u buồn khổ não, chớ không vui.

Xưa Khuất Nguyên ôm đá trầm mình dưới sông Nịch La chết, cũng vì quan niệm : “Người đời đục cả chỉ một mình ta trong, người đời mê cả chỉ một mình ta tỉnh”. Khuất Nguyên nhìn đời như thế làm sao sống được với đời mà không tự vận chết ? Khuất Nguyên chết vì thấy mình hơn thiên hạ, thiên hạ không ai bằng mình nên đâm ra chán đời, không muốn sống nữa. Đó là quan niệm sai lầmcủa người xưa. Ngược lại, ông chài nghe Khuất Nguyên than, ông bèn nói : “Nếu nước đục thì ta rửa chân, nước trong thì ta giặt dải mũ”. Ông chài thấy nước đục nuớc trong gì cũng có ích cho ông hết, vì vậy mà ông vui sống, Khuất Nguyên thì phải tự tử. Để thấy rằng, nếu biết nhìn đờibằng cặp mắt  dung  hòa; người  dở giúp mình việc  khác, người hay giúp mình việc khác, ai cũng là người giúp đỡ mình thì cuộc sống đâu có gì phải chê chán ?

Muốn có quan niệm sống phù hợp với đạo lý và hữu ích cho đời, thì chúng ta phải có thái độ nhìn đời cho thấu đáo. Như Khuất Nguyên thấy người đời đục cả, chỉ một mình ông trong, người đời mê cả chỉ một mình ông tỉnh. Như vậy “cái ta” của ông to cở nào ? Do  “cái ta” to quá nên không thông cảm được ai và cũng không chịu nổi với mọi người, phải trốn mọi người bằng cách trầm mình xuống sông Nịch La để chết. Bây giờ chúng ta muốn sống với mọi người cho vui thì phải làm sao ? Phải nhìn thấy cái dở và quên cái hay của mình. Nếu thấy được cái dở và quên cái hay của mình thì tự nhiên “cái ta” tự hạ thấp. “Cái ta” mà thấp thì đâu còn cách biệt với ai, ai ai mình cũng có thể sống được. Quí vị kiểm lại coi, có  người  nào trọn đời giỏi hoàn toàn không ? Cẩn thận tối đa cũng có lúc sơ suất lộ ra những cái dở để người ta thấy. Như vậy, nếu kiểm những điều dở từ thuở bé đến bây giờ ghi đầy cuốn sổ một trăm trang. Lỗi mình  cộng  lại nhiều  như thế  thì có gì mà phách lối, có gì  mà  kiêu  ngạo? Do vì  cái  dở mình xóa hết, cái hay thì ghi vào, khi giở sổ ra thấy mình hay nhiều quá, nên mới thấy mình siêu, mới thấy mình hơn thiên hạ. Chúng ta có hai cuốn sổ, một cuốn ghi công của mình và một cuốn ghi tội của người. Khi ghi công mình thì không bỏ sót một chút nào.Và ghi tội người cũng vậy không bỏ sót, đôi khi còn ghi oan nữa là khác. Bởi vậy nên ngồi lại bàn chuyện đời thì thấy thiên hạ tội thôi là tội, mình thì công thôi là công. Do đó nên mình khinh mọi người, mình khinh người thì làm sao người thương mình được. Kể cả anh chị em ruột đi nữa mà có vẽ khinh khi nhau đã không thông cảm, huống là bạn bè, người xa lạ ! Mọi người và mình muốn có chổ cảm thông nhau thì việc đầu tiên chúng ta phải nhìn lại thấy lỗi và quên cái hay của mình. Thấy mình dở nhiều, nên gần ai cũng có cái mình học hỏi, nhờ vậy mà mình dễ cảm thông với mọi người.

st

0 comments:

Post a Comment